Một cuộc chiến khác trong tháng 4

 


                                                                    Credit: pennlive.com

Ls Nguyễn Văn Thân

8/4/2020

 

Trong tháng này 45 năm về trước, cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam chấm dứt sau khi một chiếc xe tăng của quân đội Bắc Việt cán sụp cổng Dinh Độc Lập. Cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Ước lượng Mỹ đã chi hơn 160 tỷ Mỹ Kim. Hơn 58,000 lính Mỹ ngã gục trên chiến trường Việt Nam. Về phía Việt Nam thì có hơn 2 triệu thường dân của hai miền Nam Bắc bị chết trong lửa đạn. Hơn một triệu người lính Bắc Việt và Việt Cộng và khoảng 250,000 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong cuộc chiến. Thiệt hại sau cuộc chiến cũng không nhỏ. Có khoảng 300,000 sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị đưa vào các trại tù cải tạo. Hơn hai triệu người người tị nạn vượt biển và vượt biên. Ước lượng có khoảng nửa triệu người chết trên biển.

Hoa Kỳ và Việt Nam từng là kẻ thù không đội trời chung đã tiến tới xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp. Trong tháng này, cả hai đang đối diện với một cuộc chiến và một kẻ thù vô hình có tên gọi Covid-19. Tính tới ngày 8 tháng 4, Hoa Kỳ đứng đầu sổ với 400,549 ca nhiễm bệnh. Con số tử vong lên đến 12,857. Mười triệu người Mỹ mất việc trong 2 tuần lễ. Tổng Thống Trump đưa ra lời cảnh báo rùng rợn là Covid-19 có thể giết từ 100,000 đến 240,000 người Mỹ.

Trong khi đó, Việt nam chỉ có 251 người bị nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Trả lời truyền thông Việt Nam tại Hà nội, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink ca ngợi nỗ lực của Việt nam trong việc ngăn chận nạn dịch lây lan. Chắc là ông rất muốn đổi lấy con số bệnh nhân và tử vong của Việt Nam với Mỹ. Có một vài lý do tại sao con số nhiễm bệnh ở Việt nam tương đối thấp có thể gồm có kháng thể cộng đồng mạnh, khí hậu nóng và rất nhiều may mắn như Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét. Nhưng phải nói là nhà nước đã xử lý tốt và có hiệu quả khi đối phó với nạn dịch. Một trở ngại lớn khi thảo luận về chính trị tại Việt nam là sự thiếu vắng thông tin và bình luận trung thực và khách quan. Tất cả các cơ quan truyền thông trong nước đều do nhà nước kiểm soát. Không có việc gì nhà nước hoặc Đảng Cộng sản làm có thể là sai. Đối với người Việt tị nạn ở hải ngoại thì ngược lại. Không có việc gì nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam làm là đúng. Người nào muốn làm truyền thông theo đúng chuẩn mực khách quan và công bằng thì bị kẹt giữa hai làn đạn.

Mỹ và Việt nam từng là kẻ thù với nhau thì ngày nay phải đối diện với mối đe dọa chung là Trung Quốc. Donald Trump có thể là một vị tổng thống gây nhiều tranh cãi và chia rẽ nhất của Mỹ nhưng không có gì tạo sự đoàn kết và đồng nhất đối với Quốc Hội, Thượng Viện, giới lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao cũng như tầng lớp trí thức tinh hoa của Mỹ khi nhắc tới mối hiểm họa tiềm ẩn của Trung Cộng. Sau khi xuất khẩu vi khuẩn corona độc hại từ cái chợ bán động vật hoang dã ở thành phố Vũ hán đến khắp nơi trên toàn thế giới gây ra bao nhiêu cái chết và thiệt hại kinh tế nặng nề, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền xây dựng ấn tượng của một siêu cường nhân đạo bận rộn hiến tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước nghèo ở Thái Bình Dương và châu Phi.

 

Như Richard Javad Heydarian nhận định trong bài ‘Trung Quốc tận dụng cơ hội Covid-19 tại Biển Đông’ đăng trên Asia Times, Bắc Kinh đang lợi dụng lúc hải quân Mỹ phải đương đầu với nạn dịch để mở rộng khai thác tài nguyên và triển khai quân lực tại Biển Đông. Tân Hoa Xã tường thuật trong tháng ba là Trung Quốc đã khai thác 861,400 khối mét vuông khí tự nhiên từ băng cháy. Cũng trong tháng 3, Lực Lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết là một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đụng vào tàu khu trục Shimakazer khoảng 650 km hướng tây từ đảo Yakushima. Không có ai bị thương nhưng tàu Shimakazer bị lủng lỗ dài hơn một mét bên sườn tàu. Vào ngày 2 tháng tư, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa, bắt giữ và câu lưu đoàn thủy thủ gồm có 8 thuyền viên Việt nam. Những người này đã được trả về nước và Bộ Ngoại Giao Việt nam đã lên tiếng đề nghị Bắc Kinh bồi thường cho vụ việc này nhưng không có cơ hội thực tế là Trung Quốc sẽ nghiêm túc cứu xét đòi hỏi này.

 

 

Trong khi đó, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ đang đậu tại Guam. Có hơn 100 trên 4000 thủy thủ bị nhiễm Covid-19. Thuyền Trưởng Brett Cozier đã bị cách chức vì loan báo tin này cho cấp trên. Chiếc tàu này đến Đà Nẵng vào ngày 4 tháng 3 trong chuyến viếng thăm 5 ngày. Có nguồn tin cho rằng lý do mà Brett Cozier bị cách chức là đã cho tàu tới Việt Nam và cho phép thủy thủ Mỹ giao tiếp với người dân tại Đà Nẵng.

 

Không biết năm nay Hà Nội có tổ chức Lễ Hội 45 năm mừng ngày chiến thắng hay không? Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố nạn dịch trên toàn quốc và ban hành lệnh cách ly xã hội trong 15 ngày bắt đầu từ ngày 1 tháng tư. Bí thư Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố là sẽ phạt nặng người nào ra đường mà không có lý do chính đáng. Không lẽ họ sẽ ngồi ở nhà trước máy vi tính để xem đoàn binh diễn hành?

 

Tương tự như vậy, các cộng đồng người Việt hải ngoại đã hủy bọ kế hoạch tổ chức Lễ Tưởng niệm Ngày Quốc hận và biểu tình. Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc lần đầu tiên không tổ chức biểu tình trước Tòa Đại Sứ Việt nam do lệnh cấm tụ tập của chính quyền liên bang và các tiểu bang. Các biện pháp hạn chế xã hội tác động nặng nề đến đời sống của mọi người dân Úc. Ngay cả nhà tài phiệt truyền thông Rupert Murdoch cũng không ngoại lệ và công ty của ông đã tuyên bố là sẽ đóng cửa 60 tờ báo địa phương. Cộng đồng người Việt với một tỷ lệ giới tiểu thương khá cao gồm có các tờ báo Việt ngữ cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi phải đóng cửa doanh nghiệp trong 6 tháng. Thủ Tướng Scott Morrison kêu gọi là họ tạm ‘ngủ đông’ rồi mau chóng trở lại hoạt động sau khi biến cố đi qua. Nhưng liệu phần lớn sẽ tỉnh dậy không hay là họ sẽ mãi ngàn thu yên giấc.

 


Comments

Popular posts from this blog

Có phải từ nhau vì bất đồng quan điểm về Tổng thống Trump?

Another war in April