Bầu đúng, cử xứng

 


Credit: socialmedianews.com.au

Ls Nguyễn Văn Thân

1/9/2013

Ngày thứ bảy tuần tới 7/9/2013, cử tri người Úc sẽ bỏ phiếu bầu chọn chính quyền và thủ tướng cho nhiệm kỳ 3 năm kế tiếp.

Úc Đại lợi theo đại nghị chế và vì vậy, chính đảng hoặc liên đảng nào đạt đa số ghế trong hạ viện sẽ thắng cử và thành lập chính quyền. Lãnh tụ của đảng cầm quyền đương nhiên trở thành thủ tướng.

Hạ viện có 150 ghế và có nhiệm kỳ 3 năm. Thượng viện có 76 ghế: 12 thượng nghị sĩ đại diện mỗi tiểu bang và 2 thượng nghị sĩ cho lãnh thổ. Nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ là 6 năm. Vì vậy, cứ mỗi lần bầu lưỡng viện quốc hội thì có 150 ghế hạ viện và 40 ghế thượng viện được tranh giành. Trừ khi cả lưỡng viện bị giải tán ví dụ như vào năm 1987 thì cử tri bầu chọn cả 150 dân biểu hạ viện và 76 thượng nghị sĩ.

Tại Úc, cử tri đi bầu thường xuyên với các buộc bầu cử quốc hội liên bang, quốc hội tiểu bang và hội đồng thành phố. Thể thức bầu cử cũng khác nhau. Tình trạng này tạo ra không ít khó khăn cho cử tri thuộc các thành phần sắc tộc không nói tiếng Anh và đặc biệt là giới cao niên. Theo kết quả của các cuộc bầu cử vừa qua thì ở những đơn vị có đông người Việt cư ngụ đều có tỷ lệ phiếu bất hợp lệ khá cao. Ví dụ như trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang năm 2010, đơn vị Blaxland (ghế của DB Jason Clare) có tỷ phiếu bất hợp lệ cao nhất với 14.06%. Tiếp theo là Fowler (ghế của DB Chris Hayes) với 12.83%. Đơn vị McMahon (ghế của DB Chris Bowen) đứng hàng thứ năm với 10.84%. [1] Đây là những con số rất đáng kể có thể dễ dàng quyết định vận mệnh của ứng cử viên hoặc xác định đó là ghế bấp bênh hay ghế an toàn ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của cử tri. Có thể nói là cử tri trong các đơn vị này mà trong đó có số đông là người Việt đã lãng phí lá phiếu của mình. Dĩ nhiên đối với một vài người cố tình bầu bất hợp lệ vì lý do riêng tư nào đó thì không cần bàn đến và quyết định này cũng phải được tôn trọng. Nhưng với đại đa số cử tri vô tình bỏ phiếu bất hợp lệ thì đây quả là một sự thiệt thòi cho chính bản thân họ cũng như cho nền dân chủ mà chúng ta đang hưởng.

Trong ngày bầu cử thứ bảy 7/9 sắp tới đây, cử tri sẽ nhận được hai lá phiếu. Phiếu màu xanh để bầu dân biểu hạ viện trong đơn vị cư ngụ của mình và phiếu màu trắng để bầu thượng nghị sĩ đại diện cho toàn tiểu bang hoặc lãnh thổ.

Úc áp dụng thể thức bầu cử theo phiếu ưu tiên (preferential voting). Với lá phiếu xanh bầu dân biểu hạ viện, cử tri phải đánh số thứ tự cho tất cả ứng viên. Ví dụ như có 8 ứng viên tranh cử ghế dân biểu trong vùng thì cử tri phải đánh từ số 1 đến số 8 bên cạnh tên của 8 ứng viên. [3] Bằng không thì phiếu bấu sẽ được coi như bất hợp lệ.

Với phiếu màu trắng cho thượng viện, cử tri có 2 sự chọn lựa: bầu trên lằn gạch (above the line) hoặc bầu dưới lằn gạch (below the line). Bầu trên lằn gạch là thuận tiện và dễ dàng nhất. Cử tri chỉ cấn đánh số “1” bầu cho đảng mình thích. Như vậy là phiếu sẽ hoàn toàn hợp lệ. Nếu chọn bầu dưới lằn gạch thì vô cùng rắc rối.  Cử tri phải đánh đủ số thứ tự cho tất cả ứng viên. Tại NSW, có tới 110 ứng viên tranh cử vào thượng viện trong đợt bầu cử này. [2] Như vậy thì cử tri sẽ phải ghi số thứ tự từ 1 tới 110. Xác suất đánh nhầm số rất cao và chắc là cử tri cũng phải ở trong phòng phiếu tới vài tiếng đồng hồ mới mong có thể đánh đúng hết số được.

Nếu cử tri là thành viên hoặc cảm tình viên trung thành với một đảng nào đó thì cũng có thể bầu theo truyền đơn hướng dẫn của đảng mình (how to vote cards) được phân phát trước khu vực bầu cử. Các đảng đã thỏa thuận trước về việc trao đổi phiếu ưu tiên và như vậy thì cử tri không chỉ bầu cho “gà nhà” mà còn cho họ được quyền quyết định phiếu ưu tiên của mình.

So với các nên dân chủ tây phương khác, Úc bắt buộc người dân phải đi bầu. Nếu không thì sẽ bị phạt trừ khi có lý do chính đáng. Lý do bắt buộc người dân đi bầu gồm có thứ nhất đi bầu được coi như là hành xử trách nhiệm công dân giống như là trách nhiệm đóng thuế hoặc tham dự vào bồi thẩm đoàn. Quốc hội sẽ phản ảnh được ước nguyện của toàn dân chớ không chỉ một nhóm thiểu số đi bầu. Các chính đảng và ứng viên phải chịu khó đề ra quốc sách ích nước lợi dân chớ không chỉ khuyến dụ “phe ta” đi bầu cho đông. Mặt khác, có người cho rằng đây là một hình thức phản dân chủ vì người dân bị cưỡng ép làm một việc mà họ không muốn hoặc không thích và vì thế họ có thể cố ý “quẹt đại” và bỏ phiếu bất hợp lệ. Ngoài ra, ép buộc người dân đi bầu cũng có thể tạo ra quá nhiều ghế an toàn và chỉ một vài ghế bấp bênh. Từ đó, các chính đảng có thể thiên vị và dành quá nhiều ưu đãi cho cử tri trong một vài ghế bấp bênh không công bằng cho một bộ phận lớn dân số trên toàn quốc.

Khi đi bầu mà không thấy tên mình trong danh sách (nhất là đối với người Việt khi họ, tên lót và tên đi ngược thứ tự với tên, tên lót và họ của người Úc), cử tri có thể điều chỉnh và điền vào đơn ghi danh mới ngay tại chỗ rồi sẽ được phát phiếu bầu. Nhân viên tuyển cử không được quyền sửa đổi danh sách cử tri đã được lập sẵn. Tương tự như vậy, nếu không đúng địa chỉ có thể ghi danh lại và nhận phiếu bầu.

Nếu vì lý do gì không tới phòng phiếu được trong ngày bầu cử, cử tri có thể bầu sớm (pre-poll vote) hoặc bỏ phiếu qua bưu điện (postal vote). Phiếu bầu qua bưu điện phải được gửi đi trước ngày bầu cử.

Trong cuộc bầu cử này cũng có sự tham dự của một vài ứng viên gốc Việt. Từ lâu thì tổ chức Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc châu (CĐNVTDUC) nói chung và các CĐNVTD khắp các Tiểu bang và Lãnh thổ đều khuyến khích các thành viên trong cộng đồng đặc biệt là giới trẻ tích cực tham gia vào chính trường chính mạch để đại diện và nói lên nguyện vọng của người Úc gốc Việt. Như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ nên nhắm mắt bỏ phiếu vì họ là người Việt mà cần phải xem xét khả năng, tư cách và quá trình sinh hoạt và đóng góp cụ thể cho cộng đồng. Bởi lẽ lá phiếu chọn lầm người có trình độ và bản chất kém cỏi không những không có gì đáng tự hào mà còn thể tạo ra nhiều hậu quả tai hại không lường trước được. CĐNVTDUC mà hiện nay Ls Võ Trí Dũng là chủ tịch đã được hình thành từ năm 1977 và có thành viên CĐNVTD khắp các tiểu bang và lãnh thổ gồm có CĐNVTDUC - Tiểu bang NSW hiện do Ông Nguyễn Văn Thanh làm chủ tịch, CĐNVTD - Tiểu bang Victoria do Ông Nguyễn Văn Bon làm chủ tịch cùng với các CĐNVTD – Queensland, Nam Úc, Tây Úc, Bắc Úc, ACT & Wollongong (chỉ thiếu Tasmania). Chỉ có tổ chức CĐNVTDUC Liên bang và các Tiểu bang này có mối quan hệ làm việc và nhận tài trợ từ chính quyền các cấp liên bang, tiểu bang và địa phương, có tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống như là Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, có cơ sở Trung tâm Văn Hóa & Sinh Hoạt Cộng đồng và Đền Thờ Quốc tổ, có văn phòng và nhân viên xã hội giúp đỡ đồng hương trong tiến trình hội nhập, có vận động và phản đối với chính quyền Úc về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt nam cụ thể là qua các phiên họp mặt gần đây giữa đại diện CĐNVTDUC và Cựu Thủ Tướng Bà Julia Gillard trong tháng 5 và với Ngoại Trưởng Bob Carr trong tháng 7 vừa qua khi trường hợp của hai sinh viên yêu nước bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ là Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã được nêu ra. Trong một xã hội tự do, bất cứ cá nhân hoặc một vài cá nhân nào cũng có quyền lập hội và đặt tên cho hội của họ trong khuôn khổ luật pháp. Có người chọn tên là “cộng đồng” và xưng là “chủ tịch”. Thậm chí có người dựng nguyên cả “chính phủ” và tự phong cho họ là “thủ tướng”. Không ai cấm cản nhưng qua những việc làm này cũng đủ để chúng ta đánh giá họ thuộc loại người nào. Khác với các nước độc tài hoặc độc đảng như Việt nam, dân chủ thật sự lúc nào cũng dựa trên nền tảng quan hệ rõ ràng và sòng phẳng giữa ứng viên và cử tri. Ứng viên phải xứng đáng thì mới lấy được lòng tin của cử tri. Hy vọng là trong ngày bầu cử thứ bảy tuần tới, đồng hương chúng ta sẽ bầu đúng (hợp lệ) và cử xứng để góp phần xây dựng nền dân chủ đại nghị và thành lập quốc hội liên bang Úc thứ 44.       

Ghi chú

 

1.    Norm Kelly “ Directions in Australian Electoral Reform: Professionalism and Partisanship in Electoral Management- Chapter 5: Enrolment, Turnout and Informal Voting” 2011 http://epress.anu.edu.au/apps/bookworm/view/Directions+in+Australian+Electoral+Reform%3A+Professionalism+and+Partisanship+in+Electoral+Management/9101/ch05.html

2.    Antony Green Election Blog 16/8/2013 http://blogs.abc.net.au/antonygreen/2013/08/record-number-of-candidates-to-contest-2013-election.html

3.    http://www.aec.gov.au/Voting/How_to_vote/Voting_HOR.htm

 

Comments

Popular posts from this blog

Có phải từ nhau vì bất đồng quan điểm về Tổng thống Trump?

Một cuộc chiến khác trong tháng 4

Another war in April