Cộng đồng Việt nam có thể học được gì từ người Do thái?


 

Credit:worldjewishcongress.org

Ls Nguyễn Văn Thân

15/06/2014

Trong mấy ngày qua, sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ của mọi người Việt ở trong và ngoài nước. Trong nước đã có các cuộc biểu tình gồm có  biểu tình tự phát của những người yêu nước pha trộn với một số cuộc biểu tình “quốc doanh” do nhà nước đạo diễn. Một vài cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo động, hôi của và án mạng. Nhà cầm quyền đã dựa vào điểm này để ngăn cấm tất cả mọi cuộc biểu tình hoặc xuống đường bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm họa xâm lăng của ngoại bang.

Người Việt hải ngoại cũng đã phản ứng mạnh mẽ qua các cuộc biểu tình với đông đảo đồng hương tham dự. Nhất là tại Úc, các cuộc biểu tình liên tục trước Lãnh sự Quán và Tòa Đại Sứ Việt Nam và Trung Quốc tại Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth và Canberra đã thu hút hàng ngàn người. Hình ảnh và sự kiện này đã được các cơ quan truyền thông chính mạch lưu ý và ghi nhận.

Nhưng nếu chỉ biểu tình thôi thì chưa đủ. Vấn đề làm làm sao Cộng đồng Việt nam có thể biến hàng chục ngàn người tham dự biểu tình thành hàng chục ngàn lá phiếu bầu có tầm ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Úc. Khác với cộng đồng Việt nam, cộng đồng Do Thái không bao giờ tổ chức biểu tình. Nhưng họ lại có một tiếng nói rất quan trọng đối với chính giới và chính sách ngoại giao ở những quốc gia mà họ sinh sống. Một ví dụ điển hình là trong tháng 4 vừa qua, Cựu Ngoại Trưởng Bob Carr đã lên tiếng cảnh báo là tổ chức vận động của người Do Thái (Jewish Lobby) có ảnh hưởng quá nhiều đối với chính sách Trung Đông của Đảng Lao Động. Vậy thì cộng đồng Việt nam có thể học hỏi được gì từ những phương thức vận động hữu hiệu của người Do thái?

Dân tộc lưu vong

Lịch sử của cộng đồng Do thái gắn liền với lịch sử của một dân tộc lưu vong. Lịch sử lưu vong của người Do Thái bắt đầu từ năm 597 trước Công nguyên khi thành phố Jerusalem bị thất thủ và lọt vào tay của quân Babylonians. Nhiều người Do Thái bị đày ra khỏi thành và đưa về Babylonia. Từ cuối thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ thứ hai thì người Do Thái nổi dậy chống lại Đế Chế La Mã. Kết quả là có hơn nửa triệu người Do Thái bị sát hại. Phần còn lại bỏ chạy tứ tán và sống lưu vong khắp thế giới. Một số bị bắt làm nô lệ. Trong Đệ Nhị Thế Chiến thì có tới 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã tàn sát trong chiến dịch "Giải pháp Do thái cuối cùng". Người Do Thái bị bắt vào các trại tập trung, đừa vào phòng hơi ngạt, được sử dụng làm những vật thí nghiệm cho các loại vũ khí hóa học và bị tra tấn cho tới chết.

Sau chiến tranh thì một nhóm người Do thái quyết định hồi hương và lập quốc tại Palestine vào năm 1948.  Trong khoảng 14 triệu người Do thái sinh sống trên toàn thế giới hiện nay thì có khoảng 6 triệu sống tại Do thái, 5.5 triệu tại Hoa kỳ, 1.5 triệu tại Âu châu và phần còn lại sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới. Có khoảng 100,000 người Do thái sinh sống tại Úc, tức là chưa bằng phân nửa dân số của người Việt.

Đóng góp cho nhân loại

Tuy là một dân tộc lưu vong đi tới đâu cũng bị hắt hủi, hãm hại và thậm chí tàn sát dã man nhưng người Do Thái thành công xuất sắc trong mọi lãnh vực. Tính tới năm 2007 thì có hơn 40% kinh tế gia nhận giải Nobel là người gốc Do thái chẳng hạn như Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976) và Paul Krugman (2008). Lý thuyết của họ được cả thế giới học tập và áp dụng. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đương nhiệm Paul Wolfowitz (từng là Thứ Trưởng Quốc Phòng Hoa kỳ) là người Do Thái. Người tiền nhiệm James Wolfensohn cũng vậy. Alan Greenspan làm Thống đốc Ngân hàng Trữ kim Hoa kỳ suốt 17 năm là người Do thái. Trùm tài chính George Soros là người Do Thái được xem như là đã góp phần đánh sụp chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu qua các chương trình viện trợ cho Công đoàn Đoàn kết Ba lan, Hiến Chương 77 Tiệp Khắc và Viện Xã Hội Mở rộng (Open Societies Institute) tại Hung Gia Lợi.

Những triết gia và văn hào tên tuổi lớn có ảnh hưởng đến lịch sử và phát triển của nhân loại như Albert Eistein, Sigmund Freud, Otto Frisch, Shai Agnon, Shalom Aleichem, Isaac Singer, Isaac Asimov... đều là người Do Thái. Hai triết gia vĩ đại nhất - Jesus Christ và Karl Marx, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử thế giới là người Do Thái. Henry Kissinger, người đã đóng vai trò quan trọng trong Hiệp định Paris dẫn đến việc người Việt phải lưu vong sau này là người Do thái.

Làm sao cộng đồng Do thái ảnh hưởng đến chính sách quốc gia

Dân Do Thái chỉ chiếm 1.7% dân số Hoa kỳ nhưng họ có 12/100 Thượng Nghị Sĩ và 22/435 Dân biểu Quốc Hội Mỹ. Tại Úc, dân số Do thái không bằng phân nửa của Việt nam nhưng họ cũng có tới 3 dân biểu và thượng nghị sĩ trong Quốc hội Liên bang.

Về truyền thông thì người Do thái làm chủ hoặc quản lý 3 tờ báo lớn của Mỹ là The New York Times, The Washington Post và Newsweek cũng như các đài truyền hình lớn như ABC, CBS và NBC. Một đặc điểm của người Do Thái là họ sử dụng ngôn ngữ chính tại quốc gia cư ngụ ví dụ như tiếng Anh tại Mỹ, Anh hoặc Úc. Họ nhận cùng gốc gác với nhau qua văn hóa và tín ngưỡng chớ không bắt buộc bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Về văn hóa và nghệ thuật thì các công ty điện ảnh lớn như Warner, Paramount và Metro-Goldwyn Myer đều do người Do thái làm chủ hoặc quản lý. Những nhà đạo diễn nổi tiếng như Wooden Allen và Stephen Spielberg là người Do thái.

Cộng đồng Do thái lập ra nhiều ủy ban vận động chuyên nghiệp với sự hậu thuẫn tài chánh mạnh mẽ từ giới thương gia và những người giàu có. Ví  dụ  như  Tổ chức American Israeli Public Affairs Committee có  ngân sách hoạt động hơn 70 triệu một năm với 150 nhân viên làm việc. Tại Úc thì trong tháng 4 vừa qua, khi cựu Ngoại trưởng Bob Carr trong quyển hồi ký đã phê phán là tổ chức vận động Do thái (Jewish Lobby) có quá nhiều ảnh hưởng đến chính sách Trung Đông của chính quyền Lao động thì ngay lập tức, Dân biểu Lao Động gốc Do Thái là Michael Danby đã lên tiếng nhạo báng là Carr chỉ muốn quảng cáo bán sách của mình và đã phản bội Gillard là người đã đưa ông ra làm ngoại trưởng trong lúc ông đang về hưu không còn ai biết tới.

Cộng đồng Việt nam và cộng đồng Do thái

Cộng đồng Việt nam có một số điểm tương đồng với cộng đồng Do thái. Cả hai đều mang bản sắc lưu vong. Có 7 triệu người Do thái sống ngoài nước và 4 triệu người Việt rải rác khắp nơi trên toàn thế giới. Cả người Do thái lẫn Việt nam đều là các sắc dân cần cù và siêng năng, chú trọng vào nền tảng gia đình, kinh doanh và giáo dục. Cha mẹ hy sinh tất cả lo cho con cái ăn học thành tài. Cả hai đều có tỷ lệ học sinh xuất sắc cao. Cả người Do thái lẫn Việt nam đều duy trì mối tình cảm gắn bó thiêng liêng với tổ quốc và quê hương của mình. Cả hai vừa hội nhập, vừa cố giữ bản sắc và những sinh hoạt văn hóa đặc thù trong xã hội chính mạch.

Nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Có một số đông người Việt nam vẫn xem mình là những người khách ly hương luôn hoài vọng về cố quốc. Trong khi đó thì người Do Thái đã chọn làm chủ nhà trên đất khách. Người Do Thái hội nhập toàn diện về mọi mặt bao gồm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và truyền thông. Họ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các cấp chính quyền, hệ thống tư pháp và công quyền. Trong khi đó thì người Việt vẫn còn chọn đứng bên lề quyền lực, an phận thủ thường và hài lòng với thân phận của giai cấp bị trị.

Về mặt giáo dục thì người Việt nam vẫn chưa vượt qua được ý niệm “áo gấm về làng” hoặc “vinh thân phì gia”. Người Việt học để phục vụ lợi ích bản thân còn người Do Thái học vì  lý tưởng phục vụ tha nhân và nhân loại.

Về mặt kinh tế thì người Việt vẫn còn loay hoay với khái niệm làng xã và kẹt bẫy trong nghành tiểu thương đơn độc. Trong khi đó thì người Do thái đã vượt đại dương và sáng lập các đại công ty xuyên lục địa. Năm 1952, hai người Do Thái ở Úc là Frank Lowy và John Saunders đã bắt tay hợp tác làm ăn. Bắt đầu bằng một trung tâm thương mại khiêm nhường tại một thành phố vắng lạnh ở Blacktown, từng bước họ đã tạo dựng một Đế chế Westfield với hơn 100 trung tâm thương mại khắp nơi tại Úc, Hoa kỳ, Anh quốc, Tân Tây Lan và Ba tây. Có lẽ còn lâu lắm mới xuất hiện các tập đoàn công ty Việt nam biết cách hợp tác làm ăn theo lối vĩ mô như người Do thái.

Một đặc điểm khác nữa là giới thương gia và phú hộ Do thái gắn bó chặt chẽ với những nhóm khác trong cộng đồng của họ, như những bộ phận khác nhau cùng tranh đấu cho phúc lợi chung. Trong khi đó thì đa số những người Việt một khi trở thành triệu phú thì đều biến đâu mất, không dính dáng gì đến cộng đồng. Người Do Thái hiểu được là quyền lực kinh tế đi đôi với quyền lực chính trị. Trong khi đó thì thành phần thương gia Việt nam hầu như không có dính líu gì tới tổ chức cộng đồng, ví dụ như giới tiểu thương người Việt và người Việt gốc Hoa tại Cabramatta. Họ đang gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề bãi đậu xe. Các chính trị gia địa phương vì biết trước sau gì cũng thắng nên xem họ chẳng ra gì và cứ chờ tới gần ngày bầu cử thì mới tìm cách xây thêm vài chục chỗ đậu xe để ban cho cử tri một ít ơn huệ. Vì thiếu chỗ đậu xe nên khách hàng chọn đi nơi khác. Doanh thu ngày càng đi xuống mà tiền mướn shop cứ gia tăng. Giới thương gia địa phương không có tiếng nói chính trị. Tổ chức Cộng Đồng Người Việt Tự Do có ảnh hưởng chính trị nhưng lại không có mối quan hệ với các tổ chức thương nghiệp. Chân phải và chân trái đi hai hướng khác nhau. Rốt cuộc nguyên cả cộng đồng Việt nam phải chịu thiệt thòi. Cứ thử tưởng tượng Cabramatta mà là thủ phủ của người Do Thái thì chính giới có dám đối xử với họ như vậy hay không?

Cộng đồng Việt nam có thể học được những bài học gì?

Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào so sánh cũng như mong là trong một sớm một chiều cộng đồng Việt nam cũng trở thành hùng mạnh như cộng đồng Do Thái. Nhưng việc đầu tiên mình có thể làm được là chấp nhận mình dở hơn và cần phải học hỏi từ người Do Thái. Các Ban Chấp Hành Cộng Đồng nên liên lạc và tiếp xúc với ban đại diện cộng đồng Do Thái để trao đổi kiến thức điều hành và lãnh đạo cộng đồng. Như cộng đồng Do thái, cộng đồng Việt nam cũng có thể lập ra các tổ chức vận động chuyên nghiệp (professional lobby groups), gây quỹ tranh cử để yểm trợ cả hai chính đảng và giúp họ tiếp xúc với các cơ quan truyền thông cộng đồng để quảng bá chính sách tranh cử của họ. Cũng như cộng đồng người Việt, cộng đồng Do Thái có 16 đoàn thể ở cấp Liên bang và hơn 50 đoàn thể ở các tiểu bang chưa kể các trường học và nhà thờ Do Thái (synagogues). Mỗi đoàn thể đều có trang mạng bằng Anh ngữ. Tổ chức vận động Australia Israeli Public Affairs Committee mỗi tháng phát hành nguyệt san bằng Anh ngữ. Trong khi đó thì người Việt nam sau 40 định cư vẫn chưa phát hành được một tờ báo giấy hay điện tử bằng tiếng Anh. Việc cấp bách là phải thành lập một trang mạng bằng Anh ngữ truyền đạt thông tin nêu lên quan điểm của người Úc gốc Việt, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới Biển Đông trong giai đoạn hiện nay.

Cộng đồng cũng nên vận động thành lập các hội thương gia Việt Úc tại mỗi tiểu bang và ở cấp liên bang để kết hợp sức mạnh kinh tế và chính trị tương trợ lẫn nhau. Cần phải khuyến khích và tạo điều kiện cho giới trẻ có lòng trong cộng đồng gia nhập vào các chính đảng để nói lên nguyện vọng chính đáng của người Úc gốc Việt.

Thật ra thì người Do Thái cũng bình thường như mọi người khác. Trong bài “Lúp xúp đi vào phòng hơi ngạt”, Nguyệt Quỳnh kể lại nhận xét của giới sĩ quan Đức Quốc Xã về người Do Thái: "Lũ Do Thái hèn nhát bị tẩy xóa khỏi lịch sử loài người là đáng lắm. Để kiểm soát vài ngàn tù nhân Do Thái chúng ta chỉ cần dùng vài chục lính Đức là đủ. Thật ra, ở mỗi trại nếu chỉ vài trăm đứa dám đối đầu thì đã khó cho chúng ta lắm rồi. Nhưng đứa nào cũng chỉ chờ đứa khác đứng lên giùm mình. Và thế là từng đám lúp xúp đi vào phòng hơi ngạt." Ngày nay, dân tộc Do Thái và nhất là thế hệ sinh viên học sinh luôn được nhắc nhở là đừng bao giờ quên bài học về câu chuyện này. Còn người Việt nam thì sao? Chúng ta có nên học hỏi gì từ người Do Thái hay không hay lại lúp xúp đi vào phòng họp hội đồng thành phố phản đối các chính sách liên quan tới bãi đậu xe mà các nghị viên của đảng cầm quyền đã họp trước và quyết định xong rồi trước khi đưa vấn đề ra hội đồng bàn cãi.

Comments

Popular posts from this blog

Có phải từ nhau vì bất đồng quan điểm về Tổng thống Trump?

Một cuộc chiến khác trong tháng 4

Another war in April