Cái bóng của Trung Quốc trong quan hệ Úc Việt

 


Credit: thediplomat.com


Ls Nguyễn Văn Thân


20/12/2019

 

Thủ Tướng Scott Morrison hoàn tất chuyến công du Việt nam trong 2 ngày 22-24 tháng 8, 2019. Tuy trước đó người tiền nhiệm Malcolm Turnbull có mặt ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm 2017 khi ông tham dự Hội nghị APEC, nhưng đây là chuyếng viếng thăm chính thức của một vị Thủ Tướng Úc lần thứ nhì sau chuyến đi của Paul Keating vào năm 1994.


Úc và Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược vào tháng 3 năm 2018 khi Canberra tổ chức Hội nghị ASEAN tại Sydney. Trong tháng 5/2018, Toàn Quyền Úc Peter Cosgrove và Ngoại trưởng Julie Bishop thăm Việt Nam và tham dự Lễ Khánh thành cầu Cao Lãnh mà Úc đã viện trợ 160 triệu Úc kim để xây cất. Đây là dự án viện trợ lớn nhất của Úc tại châu Á giúp tạo phương tiện giao thông và kinh tế cho hơn 5 triệu cư dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Vào đầu tháng 10, 2018, không quân Úc đưa 63 bác sĩ, cán bộ lực lượng quân y của Việt Nam tới Nam Sudan thực hiện nghĩa vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Vào ngày 8/11/2018, Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Christopher Pine đón tiếp đồng nhiệm Tướng Ngô Xuân Lịch tại Sydney khi hai bên thảo luận về những thách thức chiến lược trong khu vực Ấn độ - Thái Bình Dương và ký Bản Tuyên Bố chung về hợp tác quốc phòng giúp duy trì an ninh và hòa bình trong khu vực dựa trên luật lệ mà chủ quyền của mọi quốc gia lớn hay nhỏ đều được tôn trọng.


Một ngày trước khi Thủ tướng Morrison tới Việt nam, ông Ngô Hương Nam Đại sứ Việt Nam tại Úc trong một động thái hiếm hoi đã nhận trả lời phỏng vấn báo The Australian Financial Review và nhấn mạnh rằng bảo vệ tự  do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không chỉ là lợi ích mà còn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người và việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam không chỉ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam mà cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của mọi quốc gia trong khu vực.


Có hơn 100 nhà ngoại giao và lãnh tụ giới doanh nghiệp tháp tùng Thủ Tướng Morrison tới Việt Nam. Ngân hàng ANZ và các công ty như Linfox và Austal đã có mặt làm ăn tại Việt nam từ nhiều năm qua. Thương mại hai chiều tăng khoảng 12% mỗi năm trong 5 năm qua và trị giá 12 tỷ trong năm 2018. Với gần 100 triệu dân, Việt nam là một thị trường có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp của Úc. Có tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao và GDP tăng trung bình 7% hàng năm, Việt nam có thể trở thành một thị trường trung lưu hấp dẫn đối với các công ty của Úc. Hàng hóa của Úc được người Việt tin cậy. Hiện có hơn 30,000 du học sinh Việt nam ghi danh học tại Úc. Công ty Woodside đang tham gia đấu thầu cung cấp khí đốt tại Việt Nam. Thậm chí, Úc cũng sẵng sàn nghĩ tới việc thượng lượng một Hiệp định thương mại tự do song phương với Việt nam dù cả hai nước đã là thành viên của CPTPP và đang tham gia hoàn tất thương lượng RCEP.


Nhưng điều quan trọng nhất là quan điểm của Úc về Biển Đông. Morrison nhấn mạnh là mọi quốc gia phải quyết tâm bảo vệ chủ quyền không để bị cưỡng ép vì thế có nghĩa là tất cả các nước trong khu vực đều bị thiệt hại. Ông không nêu tên nhưng ai cũng biết Morrison nhắm tới Trung Quốc. Úc và Việt Nam có một vài điểm tương đồng. Cả hai thuộc quốc gia tầm trung và Canberra cũng như Hà nội phải theo đuổi chính sách đu dây cân bằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Việt nam là mặt trận gần nhất nhưng Úc ngày càng lo ngại sự thâm nhập của hải quân Trung quốc vào các đảo quốc trong khu vực Thái Bình Dương vốn thuộc sân sau của Úc trong nhiều năm qua. Úc và Việt Nam đều loại Hoa Vi ra khỏi thị trường 5G vì lý do an ninh. Hà Nội sẽ nắm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và hiện đang là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vì vậy, Úc và Việt nam có nhiều lý do để hợp tác chặt chẽ với nhau về an ninh và chiến lược để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.


Trong Bản Tuyên Bố chung ngày 23/8/2019, hai Thủ tướng Scott Morrison và Nguyễn Xuân Phúc xác nhận cam kết đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược hướng tới năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước tập trung vào 3 lãnh vực. Thứ nhất là đẫy mạnh quan hệ kinh tế. Thứ hai là triển khai hợp tác chiến lược, an ninh và quốc phòng và sau cùng là chia sẻ kiến thúc và khả năng sáng tạo. Hai bên đồng ý là sẽ tổ chức các phiên họp thường niên giữa lãnh tụ hai nước để đạt được mục tiêu đề ra.


Một cách cụ thể, Úc sẽ tài trợ cho việt thành lập một Trung tâm Úc - Việt tại Đại Học Quốc gia Hồ Chí Minh hầu cung cấp kiến thức chuyên môn cho giới lãnh đạo trẻ của Việt Nam và tăng số working holiday visa từ 200 đến 1,500.  Úc sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường niên với Hà nội về mặt quốc phòng ở cấp bộ trưởng. Điều quan trọng nhất trong Bản tuyên bố chung là cả hai Thủ tướng Úc và Việt nam bày tỏ quan ngại về các hành vi ngăn cản khai thác tài nguyên tại Biển Đông dù không nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc và kêu gọi tất cả mọi quốc gia tuân thủ luật quốc tế và thực thi các quyết định, phán quyết dưới thủ tục của UNCLOS. Rõ ràng là cho dù Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài về vụ kiện của Phi Luật Tân nhưng Úc và Việt nam coi đó là luật quốc tế có tính ràng buộc đối với Trung Quốc.


Úc đang đối diện với một thách thức chiến lược rất lớn. Là đồng minh quan sự của Mỹ nhưng ngày càng lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc với thương mại hai chiều trị giá khoảng 200 tỷ Úc kim. Trong tài khóa 2018-19, Úc bán hoặc xuất cảng sản phẩm sang Trung Quốc trị giá 133 tỷ, tức 1/3 tổng giá trị xuất cảng và mua khoảng 67 tỷ. Trước đây, hàng xuất cảng sang Trung Quốc chủ yếu là khoáng sản nhưng thị trường tiêu thụ nông phẩm như thịt bò, rượu và bơ ngày càng tăng. Hiện nay có hơn 153,000 du học sinh Trung Quốc đóng góp hơn 6 tỷ học phí cho các viện đại học.


Về mặt an ninh, chính sách hung hãn, quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh làm Canberra lo ngại. Trong khi đó, quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ đang đứng dưới áp lực chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump. Hiện nay, Úc là một đồng minh lệ thuộc của Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Úc cho tài khóa 2019-20 là 38.7 tỷ khoảng 1.9% GDP. Muốn trở thành đồng minh không lệ thuộc vào Mỹ thì Canberra cần phải tăng ngân sách quốc phòng gấp 3 lần lên tới khoảng 100 tỷ tức khoảng 6% của GDP để thiết lập vũ khí hạt nhân. Úc có nên xây dựng kho vũ khí hạt nhân để bảo vệ lục địa rộng lớn và răn đe Trung Quốc hay không sẽ là đề tài mà giới an ninh, chiến lược sẽ tiếp tục tranh cãi trong một thập niên tới.


Một khía cạnh quan trọng trong quan hệ bang giao Úc Việt là vấn đề nhân quyền. Trong chuyến viếng thăm vừa qua, Thủ Tướng Morrison không công khai đề cập tới trường hợp của ông Châu Văn Khảm. Trong khi đó, Úc và cụ thể là Ngoại Trưởng Marise Payne công khai chỉ trích Trung Quốc về việc giam giữ blogger Dương Hằng Quân gần một năm mà không cho tiếp xúc với luật sư. Rõ ràng có sự khác biệt giữa hai trường hợp. Tuy là đối tác thương mại lớn nhất nhưng Úc không ngần ngại công khai nêu đích danh Bắc Kinh vi phạm nhân quyền của người Ngô Duy Nhĩ ở Tân cương và quyền con người của công dân Úc Dương Hằng Quân. Trong khi đó, ông Châu Văn Khảm cũng là công dân Úc nhưng không nhận được sự quan tâm tương tự. Có thể ông Khảm không sử dụng giấy thông hành của Úc đi vào Việt nam nhưng dù sao ông cũng là công dân Úc. Vào ngày 11/11/ vừa qua, ông Khảm đã bị buộc tội khủng bố chống chính quyền sau một phiên tòa chớp nhoáng và tuyên án 12 năm tù.


Đối với một người 70 tuổi như ông thì đây có thể được coi là một bản án từ hình. Không thấy có bằng chứng gì cho thấy ông Khảm có ý định dùng bom hoặc vu khí tấn công sát hại thường dân.  Cho dù ông có phạm luật Việt nam sử dụng thông hành giả thì cũng không thể biến nó thành khủng bố được. Điều đáng thất vọng nhất là phản ứng yếu ớt của Thủ tướng Morrison rằng “công dân Úc phải tuân thủ luật phát quốc gia mà họ thăm viếng”. Có lẽ Canberra đã sẵn sàng hy sinh quyền hạn công dân của môt người Úc gốc Việt trong nỗ lực gầy dựng quan hệ chiến lược với Việt nam.


Canberra đã chọn phương pháp tiếp cận và hợp tác chặt chẽ với Việt nam để đạt mục tiêu và quyền lợi của Úc. Trong Chiến lược Cựu Sinh viên Việt nam 2016-2021 phát hành vào năm 2016, Đại Sứ Úc tại Việt nam thời đó Craig Chittick cho biết có hơn 50,000 sinh viên Việt nam đã từng học tập tại Úc sẽ là nguồn vốn và cầu nối vô giá giúp cho Úc thành công trong nỗ lực xây dựng quan hệ với Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Úc cũng yểm trợ cho những người Úc gốc Việt sinh sống và làm việc tại Việt nam như cô Nguyễn Cát Thảo.  Trước đây cô có tên gọi là Nguyễn Hương Thảo và sinh hoạt khá tích cực trong Hội Sinh Viên Học Sinh Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt. Cô được đề cử làm đại diện trẻ của Úc tham dự Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2004. Sau khi tốt nghiệp trường luật tại Đại học Sydney, cô làm việc cho một văn phòng luật quốc tế tại Sài gòn. Vào năm 2015, cô xuất bản hồi ký “We are here” kể lại hành trình tỵ nạn đầy cam go của gia đình vượt biên bằng đường bộ qua các khu rừng Cam bốt.


Vào năm 2016, cô cùng một vài người bạn sáng lập Diễn đàn Đối thoại của những nhà lãnh đạo trẻ nhằm tạo điều kiện cho những tài năng trẻ Úc Việt có cơ hội gặp gỡ, làm quen và chia sẻ kiến thức. Diễn đàn đầu tiên được tổ chức tại Sydney vào năm 2017 với sự tham dự của 19 đại biểu trẻ từ Việt nam. Lần thứ hai được tổ chức tại Việt nam với 22 đại biểu trẻ của Úc tham dự. Các sinh hoạt này được sự yểm trợ của Bộ Ngoại giao Úc. Đây là một hình thức thi triển quyền lực mềm mà Úc sử dụng hầu tạo tiếng nói ảnh hưởng và bộ mặt thân thiện của Úc đối với Việt Nam. Thế giới thay đổi từng phút từng giờ. Không có đồng minh hoặc kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi quốc gia vĩnh viễn. Trên phương diện bang giao, ý thức hệ đang lùi bước trước chủ nghĩa thực dụng.


Trong khi đó, giới lãnh đạo cộng đồng người Việt tại Úc vẫn kiên trì áp dụng chính sách truyền thống “3 không”. Tức là không tiếp xúc, không đối thoại, không thỏa hiệp, hòa hợp hòa giải với nhà nước Việt Nam. Cộng đồng bày tỏ thái độ phản đối và tẩy chay không chỉ các quan chức Đảng Cộng sản đại diện nhà nước mà hầu hết đối với tất cả ca sĩ từ Việt nam bao gồm thành phần phản kháng, đấu tranh như Nhạc sĩ Tuấn Khanh khi họ sang Úc. Khuynh hướng này tập trung vào việc cố thủ, ngăn cản sự xâm nhập của cộng sản vào cộng đồng dưới Nghị quyết 36. Hệ quả của nó là có nhiều thông báo và tuyên cáo biểu tình chống các chương trình văn nghệ thường xuyên và đều đặn có thể tạo ra hình ảnh của một tập thể cực đoan làm cho các thành phần trí thức, ôn hòa tránh xa sinh hoạt cộng đồng. Và dĩ nhiên phương hướng này không cùng chung tần số với chính quyền Úc.


Ngoài tiếp cận và tẩy chay còn có khuynh hướng thứ ba là kết nối. Khuynh hướng này chủ trương kết nối và yểm trợ cho thành phần đối kháng trong nước vì cho rằng chính những người trong nước mới là yếu tố thay đổi, dân chủ hóa Việt nam. Hải ngoại là hậu cần. Cần có sự kết nối hợp tác giữa các lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước thì mới có hiệu quả. Nhưng có thể gặp trở ngại với khuynh hướng tẩy chay. Nếu không thận trọng thì có thể bị chụp mũ là “bắt tay, hòa hợp hòa giải với cộng sản”.


Thật ra ai cũng đồng thuận là Việt nam phải chấm dứt thể chế độc tài, độc đảng hiện nay. Chỉ khác nhau là phương pháp đấu tranh. Có người thì muốn tiệm tiến chặt từng nhánh rồi mới tới rễ cây.  Có người thì muống bứng cả gốc cây ngay. Nhưng làm sao bứng được gốc rễ cây khi các cành cây vẫn còn nguyên vẹn? Thể hiện phương pháp khác nhau là một hiện tượng bình thường lành mạnh phản ánh môi trường sinh hoạt đa nguyên. Cái không bình thường lành mạnh là chụp mũ người khác và cho rằng chỉ có phương pháp của mình là hay và đúng nhất. Như vậy thì cũng độc quyền, độc đoán có khác gì cộng sản.


Tóm lại, phong trào đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt nam của người Việt hải ngoại còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức vì tình hình địa chính trị và quan hệ ngoại giao thực dụng của Úc và của Mỹ đối với Việt nam khi nhắm vào đối tượng chung là Trung Quốc. Vào năm 2015, Giáo Sư Benedict Tria Kerkvliet thuộc Viện đại học ANU (Đại Học Quốc Gia Úc) đặt câu hỏi là Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào và liệt kê 4 khuynh hướng mà các nhà đấu tranh trong nước đang theo đuổi. Các khuynh hướng này đều có điểm chung là sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng cũng có nhiều quan điểm khác biệt về mối quan hệ giữa một thể chế dân chủ và sự phát triển kinh tế và xã hội. Hiện nay tại hải ngoại hình như cũng có ít nhất là 3 khuynh hướng tranh đấu khác nhau. Điều quan trọng là cả 3 mũi tên cùng hướng chung một đích chớ không hướng vào nhau. Bằng không thì mọi nỗ lực tranh đấu cho một nước Việt nam dân chủ và phú cường chỉ trở thành lãng phí và vô nghĩa.

 

Comments

Popular posts from this blog

Có phải từ nhau vì bất đồng quan điểm về Tổng thống Trump?

Một cuộc chiến khác trong tháng 4

Another war in April